Ngộ độc thực phẩm: Ngăn chặn hay cứ dọn dẹp?
An toàn, vệ sinh lao động - 20/05/2024 20:30 Bác sĩ Văn Bình
Gà là vật chủ cư trú ưa thích của vi khuẩn Samonella. |
Liên tục xảy ra ngộ độc thực phẩm
Đến ngày 7/5, số người ngộ độc bánh mì ở Long Khánh, Đồng Nai đã là 568 người, nguyên nhân được xác định do vi khuẩn Salmonella, Escherichia coli.
Vụ việc còn chưa giải quyết xong thì trưa ngày 7/5 lại có thêm 14 người phải nhập bệnh viện tỉnh Tiền Giang. Những người này là lao động thời vụ, được thuê dọn dẹp ở một công ty sản xuất giày thuộc khu công nghiệp Long Giang và ăn trưa tại bếp ăn công ty. Đến trưa 8/5 đã có 12 người ra viện, 2 người phải chuyển khoa truyền nhiễm…
Ngày 9/5, 21 người thuộc đại học quốc gia TP.HCM bị ngộ độc thực phẩm (NĐTP) phải nhập BV khu vực Thủ Đức…
Tối 13/5, 52 người trong đoàn 750 du khách Bình Dương bị ngộ độc sau ăn hải sản ở nhà hàng và nhậu trên bãi biển Phan Thiết…
Sau bữa trưa ngày 14/5, 351 công nhân công ty Shinwon Ebenezer ở TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc bị chóng mặt, buồn nôn, nôn, nhiều người phải vào BV Lạc Việt...
Sau bữa chiều 15/5, gần 100 công nhân ở công ty Dechang, huyện Trảng Bom, Đồng Nai bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, nhiều người phải cấp cứu…
Năm 2023, cả nước có 125 vụ NĐTP với hơn 2.100 nạn nhân, trong đó có 28 tử vong.
Năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ NĐTP, với 1.359 người ngộ độc, trong đó 18 tử vong.
Quý I/2024, cả nước có 16 vụ NĐTP với 659 người ngộ độc (gấp gần 3 lần cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 tử vong. Số người bị ngộ độc nhiều nhất (369 người) là vụ cơm gà Trâm Anh (Nha Trang, Khánh Hòa) xảy ra tháng 3, nguyên nhân do vi khuẩn Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus.
Điểm lại một số vụ ngộ độc thực phẩm ở nước ngoài
Năm 2015, Tổ chức y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có khoảng 600 triệu ca NĐTP, với 420.000 tử vong, trong đó khoảng 1/3 là trẻ dưới 5 tuổi. NĐTP không chừa bất kỳ nước nào dù giàu hay nghèo, có thể điểm lại các vụ trong khoảng 10 năm gần đây.
Năm 2015, chỉ trong 2 ngày, bệnh viện tỉnh Sari Pul, Afghanistan nhận gần 200 ca NĐTP với triệu chứng chóng mặt, ngứa, buồn nôn…, trong đó có 50 em học sinh của một trường nữ sinh.
Tháng 10/2016, hơn 300 học sinh ở 27 lớp, trong một trường Tiểu học ở huyện Chính Định, Hà Bắc, Trung Quốc bị NĐTP, 74 em ngộ độc nặng phải cấp cứu.
Tháng 04/2017, 200 cảnh sát bang Kerala, miền nam Ấn Độ bị đau bụng, tiêu chảy phải nhập viện. Trước đó 1 tháng, 32 cảnh sát ở một bang miền tây nước này cũng bị NĐTP. Nhà chức trách phải điều tra suất ăn của lực lượng an ninh.
Tháng 6/2018, ít nhất 5 người Mỹ tử vong do rau xà lách (salad) nhiễm khuẩn Escherichia coli, có nguồn gốc ở hạt Yuma, bang Arizona và từ tháng 3 - 6 đã có gần 200 ca bệnh do vi khuẩn này ở Mỹ.
Từ 15/6 - 11/7, có 212 ca ngộ độc do ký sinh trùng Cyclospora (một loại đơn bào, gây đầy bụng, ợ hơi, nôn, tiêu chảy liên tục, chán ăn, đau cơ, sốt nhẹ), ở các bang Minnesota, Iowa, Wisconsin và Michigan, Mỹ, không có tử vong. Những người bị bệnh ăn rau đóng khay của hãng Del Monte Fresh.
Tháng 7/2018, 125 học sinh trường Jawahar Navodaya Vidyalaya, Lakhisarai, bang Bihar, Ấn Độ, đau bụng, nôn vào rạng sáng. Các em đều ăn bữa tối hôm trước trong bếp ăn nhà trường. Cũng ở bang này, tháng 7/2013, có 23 học sinh trường tiểu học Dharmashati Gandaman, huyện Saran tử vong do đồ ăn nhiễm thuốc trừ sâu.
Hãng thực phẩm (TP) Kraft Heinz Co ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, Mỹ, thu hồi khoảng 7.000 sản phẩm phomat nhãn hiệu Taco Bell Cheese Dip do có dấu hiệu nhiễm khuẩn Bothulium.
Ngay trước đó hãng Kellogg Co Kellogg Company (Công ty TP đa quốc gia, trụ sở ở Battle Creek, Michigan, Mỹ) thu hồi sản phẩm ngũ cốc nhãn Honey Smacks; Campbell Soup Co (Công ty súp đóng hộp và các sản phẩm liên quan, phân phối tới 120 nước) thu hồi bánh quy nhãn Gold Soup; Mondelez International Inc (Công ty chocolate, bánh quy, kẹo cao su, kẹo, cà phê và đồ uống dạng bột, trụ sở ở Chicago, Illinois, Mỹ) thu hồi bánh qui nhãn Ritz Cracker, do các sản phẩm này nhiễm khuẩn Salmonella.
Tháng 8/2018, hơn 1.000 học sinh ở 22 trường học thuộc 6 thành phố của Hàn Quốc đau bụng, tiêu chảy sốt cao sau bữa trưa ở trường. Nguyên nhân từ bánh chocolate nhiễm khuẩn Salmonella của công ty Pulmuone Foodmerce.
Tháng 7/2020, 3.453 giáo viên và học sinh ở 15 trường công lập thành phố Yashio, Nhật Bản bị đau bụng, tiêu chảy sau bữa trưa do công ty TQC cung cấp. Phát hiện E.coli trong mẫu thức ăn.
Tháng 6/2021, có 391 giáo viên, học sinh ở 13 trường tiểu học, trung học cơ sở và 73 trẻ mẫu giáo ở 5 cơ sở thuộc thành phố Toyama, Nhật Bản bị đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy và sốt sau khi ăn trưa tại trường.
Tháng 12/2023, hơn 700 nhân viên Tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Airbus Atlantic (trụ sở ở Toulouse, Pháp) bị nôn mửa, tiêu chảy sau dạ tiệc mừng Giáng sinh thường niên của hãng…
Ngày 25/4 mới đây, hơn 600 giáo viên và học sinh ở tỉnh Miyagi, đông bắc Nhật Bản bị đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa sau uống sữa của hãng Morinaga. Đây là hãng sữa lâu đời, uy tín, nổi tiếng với sữa trẻ em, được Thế giới tin dùng, hiện đứng thứ 2 trong 4 thương hiệu sữa hàng đầu Nhật Bản…
Ngộ độc thực phẩm trên thế giới và ở Việt Nam có gì khác nhau?
Ở các nước đang phát triển, nguồn cung ứng ăn uống chủ yếu là tự túc tự cấp hoặc thức ăn “đường phố” với đặc trưng là nguồn TP trôi nổi từ muôn nẻo, nếu có kiểm soát thì thường theo quy trình và bằng mắt thường, trong khi phát hiện mầm bệnh cần phải kiểm nghiệm.
Ở các nước phát triển có rất nhiều loại TP do những công ty lớn sản xuất công nghiệp với số lượng rất lớn (có khi cung cấp đến hàng chục nước), với nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng.
Gây NĐTP có nhiều nguyên nhân (không tính đầu độc qua thức ăn, ngộ độ rượu) như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, độc chất (thuốc trừ sâu…) với các cấp độ khác nhau.
Chẳng hạn NĐTP do vi khuẩn Escherichia coli là mức vệ sinh TP kém nhất. Do E.coli là vi khuẩn cộng sinh (symbiosis), cư trú ở đại tràng người, động vật, phân hủy TP còn lại sau tiêu hóa làm giảm lượng bã và tạo ra một số chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, có 6 chủng E.coli gây tiêu chảy cho người khi ăn phải thức ăn nhiễm một trong những chủng này với mật độ cao. Khi cơ thể gặp bất lợi (ví dụ thiếu máu cục bộ, viêm ruột, viêm túi thừa đại tràng, đụng dập ruột…) thì mọi chủng E.coli đều nhân cơ hội gây bệnh.
Ngộ độc trực khuẩn ngộ độc thịt (Clostridium botulium) rất nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong rất cao, do loại vi khuẩn này rất độc. Thường xảy ra ở các nước công nghiệp phát triển với các loại đồ ăn đóng hộp (do vi khuẩn này trao đổi chất không cần Oxy). Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 150 ca NĐTP do vi khuẩn này.
NĐTP do độc chất diệt côn trùng thể hiện rõ nhất sự vô trách nhiệm của con người, tuy nhiên vẫn xảy ra ở những nước văn minh.
Chẳng hạn năm 2017, trứng nhiễm chất Fipronil từ Hà Lan được bán khắp 16 nước châu Âu và Hồng Kông (Trung Quốc). Fipronil là thuốc diệt rệp, chấy, ve… tuy có độc tính trung bình với người, nhưng nhiễm lượng lớn có thể dẫn đến rối loạn thần kinh, ói mửa và tổn thương gan, thận, tuyến giáp. Pháp và nhiều nước châu Âu đã cấm Fipronil trong nông nghiệp từ năm 2004…
Từ năm 2010, mỗi năm Mỹ có khoảng 48 triệu ca NĐTP, 128.000 người phải nhập viện và 3.000 tử vong.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, chỉ có 9,4% số NĐTP xác định được nguyên nhân do các loại khuẩn phổ biến như Salmonella, E.coli 0157, Listeria, Clostridium, Norovirus (gây viêm dạ dày, ruột với tiêu chảy không có máu, đau bụng, nôn), Campylobacter, Toxoplasma... Salmonella là nguyên nhân gây NĐTP thứ hai ở Mỹ, với khoảng 1,35 triệu ca bệnh mỗi năm, khoảng 26.500 người nhập viện, 420 tử vong…
NĐTP quá nhiều làm người dân bất bình, đòi cải tổ hệ thống kiểm soát TP toàn quốc.
Như vậy, ở các nước văn minh, giàu có cũng bị NĐTP do các nguyên nhân “lạc hậu” từ thức ăn như E.coli, ngộ độc thịt, ký sinh trùng, độc chất, tuy nhiên có khác biệt.
TS Arie Hendrik Havelaar, đại học Florida, Mỹ nói rằng, tỷ lệ ngộ độc và tử vong do TP bẩn tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển.
Châu Phi và Đông Nam Á có gánh nặng bệnh tật do TP bẩn cao nhất Thế giới, trong đó có 40% trẻ em và 30% trong số (40%) này tử vong. Ở châu Phi, mỗi năm có khoảng 91 triệu người NĐTP và 137.000 tử vong. Đông Nam Á là 150 triệu ca mắc và 175.000 tử vong, trong đó có 60 triệu trẻ em với 50.000 tử vong.
Tuy nhiên, thống kê này hình như thiếu sót khi không đề cấp đến Ấn Độ, Trung Quốc!?
Ở các nước giàu, số vụ, số người NĐTP và số tử vong ít hơn nhiều so với các nước đang phát triển. Mặt khác, hệ thống kiểm nghiệm TP của họ có đủ nhân viên và phương tiện hiện đại để phát hiện sớm TP bị nhiễm độc, có tác dụng giảm thiểu, ngăn chặn TP bẩn đến tay người dùng và thu hồi, tiêu hủy nhanh chóng, triệt để TP bẩn.
Các nguyên nhân “lạc hậu” gây NĐTP Việt Nam có E.coli, C.botulium, độc chất (20 người ở huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên ngộ độc do nước ăn có chất diệt cỏ Diquat dibromide, phải cấp cứu tháng 8/2023), nghĩa là khá đủ. Tuy xét trên tỷ lệ 100.000 dân thì số ca NĐTP (và tử vong) ở Việt Nam thấp hơn Mỹ rất nhiều, tuy nhiên vấn đề ở chỗ khác.
Hiện tất cả hàng quán nhỏ, lưu động không cần đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn TP. Những nhà hàng, quán ăn đủ điều kiện đăng ký kinh doanh được cấp phép dễ dàng, nhưng buông lỏng kiểm tra, giám sát khi hoạt động - đây là lỗ hổng nhà nước rất lớn!?
An toàn TP hiện do Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi Bộ quản lý một khâu. Việc kiểm nghiệm TP rất quan trọng cũng vậy, ví dụ Hà Nội có 9 cơ sở kiểm nghiệm nhưng do 3 Bộ, 1 Viện thuộc Chính phủ, 1 Hiệp hội nước ngoài, 1 Công ty cổ phần quản lý… Thế nhưng hiệu quả kiểm soát kém và NĐTP vẫn có xu hướng tăng lên, dù chúng ta có đến 26 văn bản Luật về an toàn TP.
Và khi NĐTP xảy ra lại điều tra, trong khi xác định nguồn gốc các vụ NĐTP thường rất khó khăn do có nhiều nguồn cung ứng. Vì thế hiếm khi vi phạm an toàn TP bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cho dù Điều 317 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt cao nhất đến 20 năm tù…
Tin cùng chuyên mục
An toàn, vệ sinh lao động - 01/09/2024 17:53
"Đau chết lặng vì tai nạn lao động, bố tôi vẫn nhận lỗi do mình chủ quan"
Mỗi lần nhớ về người bố đã khuất, chị Nguyễn Thị Thanh Hoàn - Công đoàn cơ sở Văn phòng I Tập đoàn Dệt May Việt Nam luôn nhớ về hình ảnh bố mình bặm môi, ngực loang lổ vết máu ở phòng cấp cứu, vẫn nhận lỗi tai nạn do mình chủ quan.
An toàn, vệ sinh lao động - 20/08/2024 16:35
Sẽ ra mắt nhiều sản phẩm truyền thông mới về phòng, chống tác hại thuốc lá
Nhiều sản phẩm truyền thông mới của Công đoàn về phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ ra mắt trong năm nay là lời khẳng định của đại diện lãnh đạo Tạp chí Lao động và Công đoàn tại toạ đàm diễn ra sáng nay (20/8).
An toàn, vệ sinh lao động - 20/08/2024 07:16
Từ kinh nghiệm thực tế đến Giải thưởng về công tác an toàn vệ sinh lao động
Từ ý thức, trách nhiệm, kinh nghiệm thực tế về an toàn vệ sinh lao động, cùng với sự vận dụng linh hoạt các kiến thức pháp luật đã giúp anh Hồ Nam Hải (Skypec) đoạt giải trong cuộc thi trực tuyến “CNVCLĐ tìm hiểu công tác ATVSLĐ”.
An toàn, vệ sinh lao động - 16/08/2024 06:00
Phòng ngừa tai nạn lao động nhìn từ chất lượng huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một nội dung quan trọng của công tác ATVSLĐ. Thực hiện tốt công tác này sẽ giúp nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và cả thái độ cho người sử dụng lao động (SDLĐ), người lao động. Qua đó, bảo đảm ATVSLĐ, phòng ngừa, góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn lao động.
An toàn, vệ sinh lao động - 14/08/2024 17:59
An toàn cho người thân yêu - thông điệp sâu sắc từ cuộc thi "CNVCLĐ tìm hiểu về công tác ATVSLĐ"
Cuộc thi trực tuyến “CNVCLĐ tìm hiểu về công tác ATVSLĐ” đã thu hút đoàn viên, NLĐ ở nhiều ngành, nghề tham gia, truyền tải thông điệp sâu sắc và góp phần khẳng định vai trò Công đoàn trong công tác ATVSLĐ.
An toàn, vệ sinh lao động - 14/08/2024 13:07
Công đoàn vào cuộc, tập trung điều trị tốt nhất cho công nhân nghi ngộ độc ở Vĩnh Long
Sáng nay 14/8, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long đã trực tiếp thăm hỏi các công nhân nhập viện do nghi ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Bo Hsing. LĐLĐ tỉnh cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hỗ trợ, điều trị tốt nhất các các công nhân nhập viện, tích cực phối hợp làm rõ nguyên nhân vụ nghi ngộ độc thực phẩm đông người này.