Stress nghề nghiệp đối với lao động ngành linh kiện điện tử
Nghiên cứu - 01/09/2022 12:25 TS. TRẦN VĂN ĐẠI - Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế
Kết quả cho thấy tỷ lệ stress nghề nghiệp ở nhóm công nhân sản xuất là 38,5%, cao hơn nhóm nhân viên hành chính (9,6%) với ý nghĩa thống kê p <0,05. Song, phần lớn cả hai nhóm đều kiểm soát tốt stresss, chỉ có 4,6% không kiểm soát tốt stress ở nhóm công nhân sản xuất và 1,9% ở nhóm nhân viên hành chính, cần phải tư vấn can thiệp sớm.
Mức căng thẳng chức năng tim mạch ở công nhân sản xuất cũng cao hơn nhân viên hành chính, chỉ số mạch trung bình trong ca ở công nhân sản xuất là 84 ± 1,95 (nhịp/phút), cao hơn nhóm nhân viên hành chính là 78 ± 2,44 (nhịp/phút) với ý nghĩa thống kê p < 0,05. Thời gian quan sát chú ý trung bình trong ca ở công nhân sản xuất 85 ± 6,2 (% ca) cao hơn nhóm nhân viên hành chính 65 ± 8,2 (% ca) với ý nghĩa thống kê p < 0,05.
Stress nghề nghiệp đối với lao động ngành linh kiện điện tử. Ảnh minh họa. |
Đặt vấn đề
Stress nghề nghiệp và căng thẳng thần kinh tâm lý luôn là vấn đề được cả thế giới quan tâm, đặc biệt trong ngành sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử. Điển hình là những đối tượng công nhân stress dẫn đến trầm cảm và tự tử năm 2010 tại Công ty điện tử Foxconn Technology ở Trung Quốc cũng như tỷ lệ stress nghề nghiệp đang gia tăng báo động ở những quốc gia khác. Bên cạnh đó, từ năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát làm suy thoái kinh tế toàn cầu, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần và đời sống NLĐ.
Ở Việt Nam cũng đã có nhiều nghiên cứu thống kê báo cáo tỷ lệ stress nghề nghiệp trong những ngành nghề khác nhau, tuy nhiên vẫn chưa có số liệu thống kê đầy đủ, trong đó có ngành điện tử. Lao động sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử là dạng lao động với đặc điểm công việc rất đặc thù, đối tượng lao động chủ yếu là nữ, tuổi đời trẻ, trình độ phổ thông, đây là những đối tượng dễ căng thẳng, rối loạn lo âu, hiểu biết về phòng tránh bệnh còn hạn chế, dễ dẫn đến stress và trầm cảm. Từ những ảnh hưởng trên, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mục đích: Đánh giá tình trạng stress ở công nhân sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử; đánh giá một số yếu tố căng thẳng thần kinh tâm lý ở công nhân sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu
Nghiên cứu tiến hành trên 327 đối tượng công nhân sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử và 52 nhân viên hành chính văn phòng tại một số nhà máy sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, KCN Yên Phong - Bắc Ninh, năm 2020.
Phương pháp nghiên cứu
Thiết kế nghiên cứu: Sử dụng phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang.
Kỹ thuật thu thập, xử lý số liệu: Đánh giá trạng thái stress: sử dụng bộ câu hỏi khảo sát tình trạng stress nơi làm việc (Workplace Stress Survey) của Viện nghiên cứu về stress của Mỹ (AIS) 2011. Bộ câu hỏi gồm 10 câu với mức điểm cho mỗi câu từ 1 đến 10 tương ứng mức hoàn toàn không đồng ý đến mức hoàn toàn đồng ý. Kết quả được phân thành 3 mức: Kiểm soát tốt stress; Kiểm soát tương đối tốt stress; Không kiểm soát được stress.
Đánh giá một số chỉ số tâm sinh lý lao động: Tần số nhịp tim: bắt mạch trong ca lao động; đánh giá đặc điểm yêu cầu công việc; đánh giá vị trí lao động; đánh giá chế độ lao động, giờ làm việc trong ca.
Xử lý số liệu: theo các phương pháp thống kê y sinh học và sử dụng phần mềm EPIINFO 6.04; SPSS-20; so sánh 2 số trung bình bằng Test T Student; so sánh 2 tỷ lệ bằng Test X².
Lao động sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử là dạng lao động với đặc điểm công việc rất đặc thù dễ căng thẳng, rối loạn lo âu dẫn đến stress và trầm cảm. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh). Ảnh: P. H. |
Kết quả nghiên cứu và bàn luận
Đặc điểm đối tượng nghiên cứu
Bảng 1. Các đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
Các đặc điểm | Công nhân sản xuất | Nhân viên hành chính | |
Tổng số đối tượng: (n) | n = 327 | n = 52 | |
Giới: % (n) | Nam | 3,5% (13) | 28,8% (15) |
Nữ | 96,5% (366) | 71,2% (37) | |
Tuổi đời: (X ± SD năm) | 24,5 ± 4,12 | 25,6 ± 5,06 | |
Tuổi nghề: (X ± SD năm) | 2,52 ± 0,65 | 3,62 ± 0,72 | |
Trình độ văn hóa: % (n) | Dưới PTTH | 7,6% (29) | 5,8% (3) |
PTTH | 86,8% (329) | 51,9% (27) | |
ĐH - CĐ | 5,6% (21) | 42,3% (22) |
Bảng kết quả 1 cho thấy tỷ lệ lớn là nữ với 96,5% ở nhóm công nhân sản xuất và 71,2% ở nhân viên văn phòng, tuổi đời và tuổi nghề tương đối trẻ ở cả hai nhóm, trình độ đa số là phổ thông với 86,8% ở nhóm công nhân sản xuất và 51,9% ở nhóm nhân viên văn phòng. Những tỷ lệ trên cho thấy đặc thù chung của lao động điện tử, nhóm đối tượng công nhân sản xuất dễ tổn thương tâm lý hơn các nhóm đối tượng khác, bên cạnh đó trình độ nhận thức chưa cao nên việc phòng, chống các tác hại nghề nghiệp cũng như bảo vệ sức khỏe cho công nhân còn nhiều hạn chế.
Tỷ lệ stress nghề nghiệp
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ stress nghề nghiệp tương tối cao ở nhóm công nhân sản xuất, chiếm tới 38,5%, cao hơn nhóm nhân viên hành chính (9,6%) với ý nghĩa thống kê p <0,05. Tuy nhiên, ở cả hai nhóm đều có sự kiểm soát tốt và khá tốt stress, còn lại tỷ lệ nhỏ có rối loạn stress thực sự.
Trong nghiên cứu stress nghề nghiệp và các yếu tố liên quan ở công nhân sản xuất linh kiện điện tử của X.Y.Yang và cộng sự năm 2020, có tỷ lệ 34,5% (773/2.251) công nhân biểu hiện stress nghề nghiệp. Tỷ lệ stress này cũng tương đương nghiên cứu của chúng tôi là 38,5%, tuy nhiên với số mẫu ít hơn nên có phần chưa phản ánh đầy đủ.
So sánh với kết quả nghiên cứu ở ngành nghề khác có đặc điểm đối tượng tương đối tương đồng là công nhân giày da của Nguyễn Thị Thùy Dương và cộng sự năm 2018, cho thấy 30,6% công nhân trực tiếp sản xuất bị stress nghề nghiệp, kết quả của chúng tôi là 38,5% cao hơn, điều này thể hiện công nhân sản xuất linh kiện điện tử có phần căng thẳng hơn.
Một số yếu tố căng thẳng thần kinh tâm lý
Kết quả bảng 2 cho thấy, chỉ số mạch trung bình nhóm công nhân sản xuất là 84 ± 1,95 (nhịp/phút) cao hơn nhóm nhân viên hành chính là 78 ± 2,44 (nhịp/phút) với ý nghĩa thống kê p < 0,05, thể hiện công nhân sản xuất có mức căng thẳng chức năng tim mạch cao hơn.
Bảng 2. Một số chỉ tiêu tâm sinh lý và đặc điểm công việc
Các đặc điểm | Công nhân sản xuất (n = 327) | Nhân viên hành chính (n = 52) | Giá trị p |
Chỉ số mạch trung bình trong ca (nhịp/phút ) | 84 ± 1,95 | 78 ± 2,44 | < 0,05 |
Thời gian quan sát chú ý trung bình trong ca (% ca) | 85 ± 6,2 % | 65 ± 8,2% | < 0,05 |
Trung bình thời gian thao tác lặp đi lặp lại (giây/ca) | 20 ± 6,2 | Không xác định | |
Tỷ lệ làm việc theo dây chuyền | >86% | Không dây chuyền | |
Kích thước chi tiết phải quan sát (mm) | <1- 3mm | >3mm | |
Khoảng cách nhìn từ mắt tới chi tiết (cm) | 15-35cm | 35-50cm | |
Góc nhìn (góc cúi) | 20 - 50o | 30 - 45o | |
Thời gian làm việc trung bình một ca (giờ/ ca) | 10 ± 1,2 | 8 ± 1,2 | < 0,05 |
Trong nhóm đối tượng công nhân sản xuất trực tiếp, thời gian quan sát chú ý gần như là toàn bộ thời gian làm việc của ca 85 ± 6,2 (% ca), thao tác lặp lại rất nhanh và liên tục 20 ± 6,2 (giây/ca), chi tiết phải quan sát, thao tác rất nhỏ <1- 3mm, phần lớn làm việc theo dây chuyền>86%. Những đặc điểm này chính là đặc trưng chính của lao động sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, như: công việc liên tục không được dừng, quan sát chú ý liên tục, đơn điệu lặp đi lặp lại, chi tiết thao tác nhỏ; gây nên căng thẳng thần kinh tâm lý rất lớn cho công nhân. Ngoài ra, theo phân loại lao động chính xác dựa vào kích thước đối tượng ≤ 1mm thuộc mức chính xác rất cao đến mức chính xác cao, gây căng thẳng thị giác liên tục cho công nhân.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nhóm công nhân sản xuất có khoảng cách nhìn gần hơn và góc cúi rộng hơn so với nhóm nhân viên hành chính, thể hiện công việc đòi hỏi chính xác cao hơn, cần phải nhìn gần hơn và cúi gập hơn so với công việc ít đòi hỏi chính xác hơn, điều này gây căng thẳng thần kinh và đau mỏi nhiều hơn ở nhóm công nhân sản xuất.
Theo đề xuất khi thiết kế công việc và vị trí làm việc (tài liệu Ecgônômi nghề nghiệp của NASA) thì góc cúi không nên vượt quá 20 đến 30o trong bất kỳ thời gian làm việc ngắn hay dài, theo các đề xuất trên thì lao động ở tư thế ngồi, góc cúi đầu không nên vượt quá 30o. Nhóm công nhân được khảo sát ở đây có vị trí góc cúi tới 50o, gây rất mỏi và căng thẳng.
Sản xuất linh kiện kỹ thuật cao cho điện thoại di động tại Công ty Cổ phần Crucial Tec Vina (KCN Yên Phong, Bắc Ninh). Ảnh: P.V. |
Với chế độ và thời gian làm việc, có ca đêm, thường xuyên tăng ca khi vào thời vụ (trung bình 1 - 2,5 giờ mỗi ngày) của công nhân sản xuất linh kiện điện tử cho thấy lao động có mức căng thẳng rất cao. Hiện nay, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có khuyến nghị hạn chế và tiến tới bỏ lao động ca đêm đối với lao động nữ. Nghiên cứu của chúng tôi ở đây có tỷ lệ công nhân sản xuất đa phần là nữ, điều này các nhà quản lý cần quan tâm và đưa ra những chính sách phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe cho công nhân sản xuất linh kiện điện tử của Việt Nam.
Kết luận
Tỷ lệ stress nghề nghiệp
Tỷ lệ stress nghề nghiệp ở nhóm công nhân sản xuất là 38,5% cao hơn nhóm nhân viên hành chính là 9,6% với ý nghĩa thống kê p <0,05.
Tỷ lệ kiểm soát stress cả hai nhóm đều tốt, chỉ có 4,6% không kiểm soát tốt stress ở nhóm công nhân sản xuất và 1,9% ở nhóm nhân viên hành chính.
Một số yếu tố căng thẳng thần kinh tâm lý
Chỉ số mạch trung bình trong ca: nhóm công nhân sản xuất là 84 ± 1,95 (nhịp/phút) cao hơn nhóm nhân viên hành chính là 78 ± 2,44 (nhịp/phút) với ý nghĩa thống kê p < 0,05.
Thời gian quan sát chú ý trung bình trong ca: nhóm công nhân sản xuất là 85 ± 6,2 (% ca) cao hơn nhóm nhân viên hành chính là 65 ± 8,2 (% ca) với ý nghĩa thống kê p < 0,05.
Ngoài ra, nhóm công nhân sản xuất chủ yếu làm việc theo dây chuyền, thao tác lặp đi lặp lại, chi tiết thao tác nhỏ, khoảng cách nhìn gần, góc cúi cao và thời gian làm việc kéo dài hơn so với nhóm nhân viên hành chính.
Có chế độ dinh dưỡng hợp lý bổ sung thêm các loại vitamin A, B, D, E... trong khẩu phần ăn cho công nhân. Trong ảnh: Giờ ăn ca của công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. Ảnh: Quỳnh Mai. |
Khuyến nghị
Cải thiện môi trường lao động và vị trí lao động hợp lý tránh đau mỏi và căng thẳng.
Cải thiện chế độ lao động - nghỉ ngơi: giảm làm ca đêm, giảm tăng ca, bố trí thời gian nghỉ giữa ca phù hợp.
Thực hiện phương pháp thư giãn cơ toàn thân và mắt cho công nhân vào thời gian nghỉ ngắn giữa ca.
Thành lập các phòng, tổ tư vấn giúp đỡ, giải đáp vướng mắc về sức khỏe đời sống tâm thần cho công nhân. Quan tâm đến đời sống tinh thần, vật chất cho công nhân, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong công việc hằng ngày.
Khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh lý kịp thời cho công nhân.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung các loại vitamin A, B, D, E…cho công nhân trong khẩu phần ăn.
Tài liệu tham khảo
1. Lại Thị Tuấn Việt, Doãn Ngọc Hải, Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Đức Sơn, Trần Văn Đại, Nguyễn Thị Bích Liên, Nguyễn Thị Thắm (2016), Mối liên quan giữa stress và một số chỉ số tâm sinh lý, khả năng làm việc của nhân viên lưu trữ, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Nilp.vn.
2. Nguyễn Thị Thùy Dương, Vương Thuận An, Lê Thị Xuân Quỳnh (2018), Stress và các yếu tố liên quan ở công nhân một công ty giày da thuộc tỉnh Bình Dương, Viện Y tế công cộng TP. HCM, Tạp chí An toàn, vệ sinh lao động, số 3/2018.
3. NASA: Occupational Ergonomic – Task & Workstation Considerations. NASA- Johnson Space Center
4. The American Institute of Stress (AIS). (2011). Workplace stress survey Questionnaire. From: //www.stress.org.
5. X.Y.Yang , P.Li , X.Wang, J.Liu , Q.Zeng (2020), Effects of Occupational stress and related factors on life satisfaction level of workers in electronic manufacturing industry, 2020 Oct 20;38(10):742-745. Doi: 10.3760/cma.j.issn.121094-20181226-00528.
Ngành thương mại điện tử "khát" nhân lực chất lượng Theo báo cáo đào tạo thương mại điện tử (TMĐT) năm 2022, cả nước hiện nay có tới trên 110 trường đào tạo, giảng dạy ... |
Stress nghề nghiệp giữa công nhân lắp ráp linh kiện điện tử với nhân viên hành chính Lao động sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử là dạng lao động với đặc điểm công việc rất đặc thù dễ căng thẳng, ... |
Nguy cơ mắc tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp So với các ngành khác, lao động trong nông nghiệp có nguy cơ mắc tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN) chỉ ... |
Tin cùng chuyên mục
Nghiên cứu - 09/09/2024 13:38
Nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân trong tình hình mới
Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X nêu rõ “Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp”.
Nghiên cứu - 21/06/2024 16:35
Tình đoàn kết tạo ra quyền lực cho tổ chức
Nhân Tháng Công nhân 2024, TS. Phạm Thị Thu Lan, nhà nghiên cứu quen biết về phong trào công nhân, hoạt động công đoàn (công tác tại Viện Công nhân và Công đoàn) có bài viết về tình đoàn kết và niềm tin của NLĐ, điều sẽ tạo ra quyền lực mềm cho tổ chức Công đoàn. Tạp chí LĐ&CĐ xin giới thiệu với bạn đọc phân tích thú vị và rất đáng suy ngẫm này.
Nghiên cứu - 28/05/2024 15:33
Bài 3: Xây dựng chính sách đồng bộ, hiệu quả cho người lao động tiếp cận, thụ hưởng
Hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, việc làm ở nước ta đã được chú trọng xây dựng, hoàn thiện nhưng vấn đề tiếp cận, thụ hưởng chính sách của người lao động còn cần được cải thiện hơn nữa.
Nghiên cứu - 28/05/2024 14:54
Bài 2: Cơ sở xây dựng lực lượng lao động năng suất, tiến bộ
Cơ sở để bảo đảm việc làm, thu nhập, chăm lo đời sống, đáp ứng nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ) xuất phát từ các tiền đề về tiền lương, phúc lợi về nhà ở, sức khỏe y tế, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, hỗ trợ chăm sóc con em.
Nghiên cứu - 28/05/2024 10:28
Một số đặc điểm về học vấn, chuyên môn của công nhân hiện nay
Với sự nỗ lực, tự học hỏi, rèn luyện, công nhân đã có trình độ học vấn và chuyên môn nghề nghiệp khá cao, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nghiên cứu - 24/05/2024 18:18
Đón đọc Tạp chí An toàn vệ sinh lao động, số 346, tháng 5 - 2024
Số An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tháng 5 là số đặc biệt, tăng từ 64 lên 80 trang, in màu trên giấy couche, xuất bản - phát hành ngày 25/5/2024 đến các cấp công đoàn, đội ngũ an toàn vệ sinh viên, cán bộ an toàn các đơn vị sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trên toàn quốc.
- VNVC tiêm nhiều nhất trong ngày đầu chiến dịch tăng cường vắc xin sởi cho trẻ
- Hành trình 14 năm chinh phục khách hàng Việt của Nissan Navara
- Công ty CP Gỗ Quảng Phát tuyển gần 50 lao động tại Quảng Bình
- Vĩnh Phúc có thêm 2 dự án FDI đi vào hoạt động trong tháng 8/2024
- Suzuki Swift ngừng bán tại Việt Nam?